truyện ngắn: TÌM



TÌM
(Truyện ngắn)
Mười rưỡi đêm, thị trấn đã thưa thớt người đi lại, những khuôn cửa đã khép trong im lìm chỉ còn ánh đèn cao áp sáng trắng. Trên chiếc xe Attillla màu đỏ, một người đàn bà gầy gò đi một mình trên phố, đôi mắt tối sầm bởi màn nước mắt đang dàn chảy không tài nào kìm nổi nhưng vẫn cố gượng nhìn để tìm bóng dáng thân quen của đứa con trai.
Đến lúc này người đàn bà bất hạnh ấy chỉ muốn gào muồn thét lên vì cuộc sống bế tắc của mình. Nhưng cô đâu phải một kẻ điên bởi có điên mới gào thét lên trong đêm như thế. Nhưng giá mà điên được như thế có lẽ còn dễ chịu hơn vì nó làm cô quên được tất: người chồng bội bạc, đứa con bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, bất cần đời đang ngày càng trở nên xa lạ với mẹ của nó.
 Chồng cô một kẻ điển trai có tiếng trong giới công chức của cái thị trấn nhỏ bé nhưng nhiều điều tiếng này. Anh ta luôn tự hào là kẻ sành điệu. Từ chân đến đầu, từ bộ quần áo anh ta mặc đến cái xe máy anh ta đi đều toát lên vẻ sang trọng, lịch lãm. Có lẽ vì thừa biết mình thế, nên anh ta tự cho mình cái quyền “ tự do hôn thú”. Và để cho xứng với hình thức đẹp đẽ ấy, cho hợp thời anh ta thấy mình cũng cần phải đi học lên để có cái bằng. Và từ ngày chồng cô ra thành phố học lấy cái bằng Đại học thì cũng là ngày bất hạnh giáng xuống đầu cô và hai đứa con vụng dại. Ban đầu là sự lạnh nhạt với vợ, thưa thớt về nhà rồi những lời ong tiếng ve về mối quan hệ giữa anh ta với một người đàn bà bỏ chồng học cùng lớp làm cô ngờ ngợ về sự thay lòng đổi dạ.
Lòng tự trọng, sự kín đáo và cả nhẫn nhịn khiến cô không cư xử như những người đàn bà bình thường khác: không chửi bới, không đánh ghen ầm ĩ, không trả đũa kiểu “ông ăn chả, bà ăn nem” nhưng thực sự trong lòng cô tan nát. Cô suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Khuôn mặt võ vàng, hốc hác, cười nhưng đôi mắt lúc nào thất thần, đờ đẫn và đau khổ. Cô không hiểu nổi tại sao mình bị phụ bạc. Cô chỉ không dám ăn mặc cho hợp mốt vì sợ mình có bộ quần áo mới thì con sẽ không có sữa uống. Cô cũng biết đi bên cạnh chồng mình như chiếc đũa lệch cọc cạch. Anh ta càng ngày càng trẻ trung thì chị càng ngày càng tàn tạ. Anh ta lúc nào cũng toát lên vẻ sung mãn còn chị ốm yếu, tong teo. Cô cũng biết mình không sắc sảo chuyện tính toán làm ăn nên ngoài tận tụy với nghề cô chỉ biết 2 chữ cần cù và tiết kiệm.
 Khi những đứa con còn chưa biết chuyện của bố chúng, cô nói dối nó bố không về vào những ngày thứ bảy, chủ nhật vì bố bận học. Nhưng khi không thể giấu con được nữa cô cũng không muốn chúng suy sụp. Cô đặt hi vọng chúng sẽ hiểu và thương mẹ hơn. Nhưng con trai cô từ ngày bố không ở nhà với ba mẹ con nữa, không có ai vằn mắt với nó khi nó mắc lỗi, hàng xóm nhìn nó với ánh mắt thương hại và cả những lời nói tưởng như bình thường nhưng lại làm nó tổn thương ghê gớm đã làm nó thay tính đổi nết. Nó lầm lì hơn, nóng nảy hơn, hay nói bậy chửi thề hơn và cũng vô tổ chức hơn: thỉnh thoảng bỏ học, đôi ba lần gây gổ đánh nhau trong trường
Khi chưa có lá đơn li hôn nào được kí, người vợ ấy định cam chịu và hi vọng rồi có ngày anh ta cũng phải quay trở về với mẹ con cô. Bởi vì cái mà người ta vẫn gọi là tình yêu đích thực, ngày trước cô cũng đã có. Và tình yêu ấy có lẽ sẽ là sợi dây duy nhất dẫn lối anh ta trở về. Bởi những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời , hai người đã từng trải qua. Những ngày tháng ấy, dù tài sản chỉ có chiếc xe đạp cà tàng nhưng họ vẫn có những ngày vui vẻ hạnh phúc. Nhưng cô đã lầm: người chồng mà cô đã gắn bó từng ấy năm, anh ta lại đang công khai đầu gối tay ấp với một mụ đàn bà nạ dòng hơn mình một tuổi trong ngôi nhà 5 tầng đầy đủ tiện nghi và rộng rãi ăn đứt ngôi nhà cấp bốn chân tường đã lở vôi mẹ con cô đang ở. Trước khi hai kẻ sùng bái nhục dục và tiền ấy hút vào nhau như nam châm thì người đàn bà kia đã có một đứa con trai .Nó hơn đứa con trai của cô một tuổi. Chẳng biết có phải “ phúc đức tại mẫu” hay không  mà cùng cảnh ngộ bố mẹ li hôn ấy vậy mà cuộc sống 2 đứa khác nhau một trời một vực. Một đứa thừa bố một đứa lại thiếu bố Một đứa được cưng chiều tuyệt đối dù bố chỉ là bố dượng (vì nó mà không hài lòng là mẹ nó cũng không vui. Mà mẹ nó không vui thì chỉ có bố dượng là có lỗi.) Một đứa lại bị bố đẻ bỏ rơi không đoái hoài hỏi han, thương xót.
Để làm tròn trách nhiệm của mình, người cha bất đắc dĩ ấy  trích nửa số tiền lương hơn 5 triệu mỗi tháng cho mẹ chúng nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Còn sau đó không cần biết con ốm ra sao, học hành thế nào. Con trai cô lại đang ở vào cái tuổi mà những chuyên gia tâm lí vẫn nói là khó nắm bắt tâm lí và khó dạy bảo. Cô cũng không thể hiểu được người đàn ông đã ngoài 40 tuổi được coi là từng trải, giao thiệp rộng ấy cũng đã từng nghe, chứng kiến không biết bao chuyện về sự sa đọa hay mê lú của bọn trẻ trước những cạm bẫy của cuộc sống hiện đại ấy nghĩ gì khi để hẳn cái máy tính xách tay ở nhà cho con tha hồ chơi game không cần ra quán. Để cô lại khổ sở khi vừa phải quản lí con vừa phải quản lí cả chiếc máy tính .
Hiện nay, cô và anh ta vẫn cùng làm trong một cơ quan nhà nước. Trước kia đó là một cái tiện. Nhưng bây giờ nó lại không khác gì một quả lông chông treo ngay trước mắt. Nếu có lòng tự trọng một người sẽ không cố làm tổn thương người kia. Nhưng khốn nỗi trong hình hài, vóc dáng của một người đàn ông từng trải, có vẻ ga lăng ấy lại là một cái đầu rỗng tếch, càng học càng vô học và một trái tim trơ lì cảm xúc và cảm giác. Hắn vẫn đi ô tô nhưng là đi ô tô chung cùng bà Giám đốc như thể một tay trợ lí kiêm lái xe “ruột”, hắn vẫn đến cơ quan nhưng là đến để khoe bộ cánh đắt tiền và những kiến thức rất “hot” về đời sống của giới sành điệu chốn thủ đô. Hắn vẫn đùa cợt nhưng lại trơ trẽn hơn với những cô nàng trẻ trung chưa chồng mà có tính lẳng. Và hắn vẫn tỏ sự thích thú nhất là sự thích thú khi tiết lộ cho mấy chàng trai trong cơ quan về  ngón hấp dẫn đàn bà ngoài vợ.
Chẳng biết sống ở thành phố với mụ nạ dòng, ngày ngày hấp thu bao tinh hoa văn hóa Á Âu, anh ta học được những gì mà Tết Nguyên Đán năm nay hắn làm một việc mà không ai lí giải nổi. Chẳng là gần cơ quan là khu chợ hoa, năm nào cũng bày bán toàn đào và quất. Năm nay nắng nhiều, đào nở bung và quất cũng chín vàng ối cả một góc chợ như thể sợ rét không còn thì sự hiện diện của nó sẽ vô duyên.  Hắn chọn cây quất to ngật ngưỡng , cao hơn cả đầu người, cành lá lòa xòa , có cả quả chín, quả xanh, cả nụ và lộc non và một chậu sứ rồi thuê một anh lái xe ôm chở lên nhà ông bà trước kia anh ta gọi là bố mẹ vợ. Những việc này trước kia hắn vẫn làm khi Tết đến. Chỉ khác một điều dù nhờ người chở đến hắn cũng gọi điện báo trước hoặc đi cùng lên gửi lễ tết nhà bố mẹ vợ . Còn lần này thì không.
Được một đồng nghiệp trong cơ quan thông báo tin ấy, cô như bị một luồng điện giật.  Không thể nói được lời nào. Cô bưng mặt khóc. Khóc như chỉ có một mình mình trong khu rừng đen tối ma quái, nhìn thấy mọi người mà không ai nhìn thấy mình. Còn hắn cười, nụ cười nham nhở làm biến dạng cả khuôn mặt mà cô vốn mong nó vẫn nguyên vẹn trong hình dung của hai đứa con mình.
Đã gần 11 giờ. Trong cái im ắng tạm thời của thị trấn nửa đêm, cô muốn giữ bình tĩnh như người ta vẫn nói về phẩm chất cần có của một con người khi cuộc đời gặp biến cố. Cô không muốn khóc nữa vì những giọt nước mắt không cứu được hạnh phúc gia đình, không làm cho đứa con máu mủ của cô ngoan ngoãn như lúc còn bé nhỏ, không thể gọi một ông bụt bà tiên cầu xin một phép màu cho người chồng của cô hồi tâm tỉnh trí. Cô sẽ phải làm gì đây nếu con trai cô bỏ nhà đi bụi đời hay gia nhập băng nhóm tội phạm mà hầu hết chúng đều không trộm cắp, đâm thuê chém mướn thì cũng nghiện hút, sa đọa? Cô sẽ phải làm gì đây nếu đứa con trai cô dứt ruột đẻ ra lại nhìn cô bằng ánh mắt lạnh lùng vô cảm như ánh mắt của những nhân vật trong thế giới game? Cô phải làm gì? Phải làm gì? Cô không tìm được câu trả lời nào thỏa đáng.
Con trai cô, mấy năm trước ngoan ngoãn là thế. Tuy nó học hành không giỏi giang gì nhưng sống rất tình cảm. Cô tự an ủi như thế cũng là hạnh phúc.
Cuộc sống đúng là không như ta vẫn nghĩ. Thằng bé lớn hơn, kinh tế gia đình cũng đỡ chật vật. Tưởng như vậy là trời đã đền bù cho vợ chống cô lấy nhau khi còn tay trắng. Bố nó hay mời bạn bè ăn uống, nhậu nhẹt hơn. Và đổi đời xe mới. Một chiếc xe SH màu nâu bóng. Mỗi khi đi làm về, dựng chiếc xe ở sân bố nó lại ngắm nghía, lau chùi cẩn trọng, nhẹ nhàng như đang cầm một quả bong bóng bằng pha lê. Nhìn chiếc xe dựng ở khoảng sân nhỏ trước cửa nhà, nó đặt câu hỏi:
-Bao giờ bố xây nhà mới, để con có phòng riêng?
Mẹ nó đùa:
-Ăn quà vặt như vẹm thế thì còn lâu mới xây nổi nhà.
Hai anh em nó hùa với nhau:
-Thế thì chúng con đập lơn góp tiền cho bố mẹ xây nhà!
Cô cười đưa mắt nhìn chồng như tìm một câu trả lời. Bởi cô cũng mong có một ngôi nhà khang trang hơn ngôi nhà xây tạm này. Nó đã sập sệ quá rối. Cô cũng cố gắng chắt bóp chi tiêu, không dám ăn mặc gì nhiều để dành dụm tiền xây ngôi nhà mơ ước. Thế là giấc mơ ấy chưa thành hình một viên gạch đã tan thành đám khói làm cay mắt người đàn bà có đôi mắt buồn ấy. Dù không phải là kẻ sùng đạo, duy tâm nhưng cô cũng phải thốt lên rằng:”Ông trời ơi, tôi ăn ở kiếp trước thế nào mà đời tôi gặp lắm điều trái ngang đến thế”
Giấc mơ về ngôi nhà đã tan biến từ lâu thì giờ đây đến khát khao con cái biết thương mẹ, chăm chú học hành của cô cũng đang vụn vỡ. Tương lai của con cô sẽ ra sao khi nó không chịu học hành đến nơi đến chốn. Bây giờ cô còn nuôi được con nhưng mai này liệu nó có nuôi nổi cô khi về già. Tương lai của nó sẽ ra sao khi đến người mẹ dứt ruột đẻ nó ra, cưng chiều, yêu thương nó vậy mà nó không thèm nghe lời. Cô bù đắp cho con chỉ để con hiểu rằng cô luôn luôn là một người mẹ . Ây vậy mà trời cứ trêu ngươi. Bạn bè cô có người được cả chồng cả con và có người hỏng chồng còn có con làm chỗ dựa. Còn cô.
-Con đang ở đâu?
 Cô hỏi mà không nghe tiếng đáp lại. Chỉ có âm thanh của gió thổi lá cây cọ vào nhau. Bên góc tôi đèn đường, có mấy bóng dật dờ làm cô sởn gai ốc. Chúng là người mà khác nào bóng ma sống trong đám khói phiêu diêu đọa đày của thứ thuốc độc chết người. Cô càng lạnh sống lưng khi nghĩ đến đứa con trai của cô có mặt trong đám ấy.
Đêm tối. Một mình. Cô tìm con .Cô tìm câu trả lời cho tương lai .
( tháng 4 /2013)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nợ duyên

ANH CÓ GIÚP TÔI ?