TRUYỆN NGẮN: CUỘC ĐIỆN THOẠI NỬA ĐÊM



Gần 2 giờ đêm. Tôi đang chìm trong giấc ngủ thì chiếc điện thoại đổ chuông nghe đến chói tai.
Tôi chột dạ: Ai có chuyện gì mà phải gọi vào lúc đêm hôm thế này? Hẳn phải có chuyện chi không lành? Vì chỉ có chuyện khẩn cấp mới gọi vào lúc nửa đêm như thế. Tôi lo lắng cầm chiếc điện thoại lên. Tên người gọi: A. Nhiên. Tôi tạm thở phào không phải chuyện gia đình. Không biết có chuyện gì mà anh lại gọi tôi bất thường như vậy vì mấy tháng rồi tôi và anh không gặp nhau.
-Em à. Anh không tài nào ngủ được. Không còn cách nào, anh đành gọi điện cho em….
Giọng anh ngập ngừng như thăm dò thái độ của tôi.
-Không sao!(tôi cố tỏ ra bình thản dù mắt cay xè)
-Có việc gì vậy anh?
-Khốn nạn đời anh. Anh mất thằng con trai thôi.
-Trời ơi ! Sao lại thế!
Tôi tỉnh ngủ hẳn. Tôi sợ mình nghe lầm…Con trai anh ư. Tôi cố hình dung về nó trong đầu. Nó trắng trẻo, cao ráo, có tướng hơn bố. Anh cao nhưng đen và gầy gò bởi quanh năm suốt tháng anh cuốc đất, trồng cây rồi lại đắp ao thả cá để khu đất hoang ven sông sau hơn mười năm trở thành một trang trại đẹp và có giá. Nó đẹp vì được quy hoạch đâu ra đấy. Có giá vì cây cối đều là loại đặc sản đều đã đến tuổi thu hoạch. Hơn nữa vị trí trang trại nằm giữa ngã ba đường liên xã. Nên cũng đễ hiểu khi có nhiều người nhòm ngó ngỏ ý muốn mua lại cái trang trại đó của anh.
-Năm nay nó bao nhiêu tuổi rồi anh nhỉ?
- Năm nay nó mới lên lớp 9. Bây giờ nó không thiết học mà chỉ nghĩ đến game. Hết tìm cách lấy trộm tiền của bố mẹ lại lấy cắp tiền của bà…
-Hôm trước cả buổi anh phải bỏ làm đi tìm nó. Tìm thấy nó trong quán game gần nhà em, anh không kìm được  đánh nó một trận thừa sống thiếu chết. Được mấy hôm nó lại chứng nào tật ấy…
Tôi im lặng để anh trút bầu tâm sự. Và cũng im lặng vì những gì anh nói với tôi như thể chuyện đùa. Chuyện xảy ra gần một tuần rồi, có lẽ không biết nói với ai nữa, anh mới gọi điện cho tôi. Anh nói tiếp có vẻ dứt khoát không ngập ngừng như lúc đầu
-Anh nhờ chú nói với mấy thằng “ bộ đội” ( quê tôi mấy năm trở lại đây vẫn dùng từ này để chỉ những tên đầu gấu, xã hội đen) có máu mặt trị giúp cho anh thằng con mất dạy cho nó chừa.
Tôi giật mình: sao anh lại có suy nghĩ ngược đời thế? Con mình sinh ra, mình dạy bảo. Đó là nghĩa vụ không thể chối bỏ và cũng là quyền lợi thiêng liêng của những bậc làm cha làm mẹ. Mượn người ngoài nhất là mượn tay đầu gấu để dạy con hẳn lợi bất cập hại. Những kẻ đầu gấu một hai “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” chỉ là tay sai của dân anh chị trong cuộc xiết, đòi nợ hay tranh giành địa bàn làm ăn, bảo kê cho hành vi phạm pháp sao có thể cảm hóa được một đứa trẻ đang ở tuổi khó bảo, ương bướng như con anh. Ấy thế mà giờ đây người ta lại có xu hướng mượn tay đầu gấu để can thiệp, giải quyết chuyện gia đình. Đến anh, lại mượn chúng để dạy con.
Chao ôi! Tôi giật mình kinh ngạc. Chẳng lẽ chỉ một thời gian chưa đầy hai năm mà gia đình anh thay đôi đến thế sao? Anh có bạc tỉ trong tay là nhờ bán nửa lô đất đang làm trang trại cho một kẻ có tiền chuyên kinh doanh bất động sản. Hai năm trước nghe tin anh có trong tay bạc tỉ, tôi mừng vì anh đổi đời, không phải lam lũ, đầu tắt mặt tối suốt ngày ngoài đồng bãi. Mấy đứa con anh cũng không phải vất vả buổi đi học, buổi mang nông sản đi bán, ngày chủ nhật thì phải ra trang trại cuốc đất, tỉa cành cắt cỏ  nữa.. Anh đã thay ngôi nhà ngói bằng một biệt thự hoành tráng cuối làng đầy đủ tiện nghi. Hai con gái lớn của anh đi học đại học không phải lo tiền học tiền trọ nữa. Nhìn vào gia đình anh lúc đó, nhiều người phải ghen tị. Anh vốn là con trai một gia đình gia giáo, nền nếp. Anh rất nghiêm khắc với con. Lí gì con anh trở nên hư hỏng đến thế?
Nó cũng là đứa thông minh, thích mày mò, có tố chất kĩ thuật. Anh chỉ có nó là con trai. Khi nó chào đời, anh đặt rất nhiều niềm tin, hy vọng vào nó. Nó có khuôn mặt đầy đặn, vầng trán cao và vuông vức, mắt dài, miệng rộng, tai to và trái tai rất dày.
Nó lớn lên , có một ông thầy tướng phán rằng tương lai nó hơn bố : táo bạo, quyết đoán làm đâu gặt hái thành công đấy.
Chao ôi ! Gần nửa cuộc đời, anh đã biết thế nào là cái khổ nhọc của người lao động chân tay, cái hèn của kẻ làm chỉ tạm đủ ăn. Vì thế cứ nghĩ đến lời phán của ông thầy đó, anh thấy mát lòng, mát dạ lắm. Anh làm không kể nắng mưa để có tiền lo cho con học không thua bạn kém bè. Anh cũng biết phải cho con lao động, không cưng chiều để nó ỷ lại hư thân. Hai đứa con gái anh, đứa nào cũng xinh xắn, ngoan ngoãn. Đến bây giờ anh có thể tạm yên tâm về chúng. Vậy mà đứa con trai, thằng chống gậy, chỗ dựa của cuộc đời anh lại làm anh lao tâm khổ tứ. Học lớp 8, nó đã tỏ ra chán học. Cô giáo nó thông báo : lên lớp nó cứ lờ đờ như thiếu ngủ, sách vở môn nọ ghi chung với môn kia, bài ghi có đầu không có cuối thậm chí có hôm trong cặp chỉ có một quyển vở và một quyển sách. Cô nhắc ghi bài thì nó chống chế : quên bút, bút hỏng hay đau đầu, đau bụng...
Khi biết con sa vào chơi game, anh đã nói chuyện với nó, phân tích đúng sai, được mất, lợi hại. Nó chỉ ậm ừ vâng dạ cho qua chuyện.
Và đến hôm vừa rồi, anh không kìm nổi tức giận đã đánh nó ngay trước cửa quán game. Người xung quanh xúm lại. Có người không nói gì vì họ đã nhàm với cảnh ấy. Có kẻ nhếch mép vì hoàn cảnh anh chẳng hơn gì cảnh của họ. Gia đình anh gia giáo, nền nếp, bố mẹ cần cù chăm chỉ, giáo dục con có tiếng nghiêm khắc. Ấy thế mà đứa con trai vẫn không thoát khỏi lưới nhện của trò tiêu khiển thời hiện đại hại người kia. Giờ thì không ai dám nói tài con họ có khả năng đề kháng trước khả năng hấp dính của lưới nhện ma quái được dệt đan ra từ mớ hỗn tạp của cả chất xám trí tuệ dùng không đúng chỗ lẫn tham vọng kiếm tiền bất chấp hậu quả của một số người.
Dĩ nhiên là người ngoài cuộc tôi khuyên anh mượn đầu gấu giúp mình dạy con là không nên và không thể. Vì thực ra tôi có quen biết với một vài người thuộc hàng dân anh chị cũng chẳng qua là chuyện xã giao trong xóm, trong làng. Tôi không muốn anh mất hẳn con khi nó vẫn còn sống ở trên đời. Tôi khuyên anh còn nước còn tát, không buông xuôi nhưng cũng đừng nóng nảy .
Nói lời khuyên anh mà người tôi mồ hôi vã ra như tắm. Bởi có lẽ nếu tôi là anh tôi cũng chưa biết phải làm thế nào mới cứu vớt được đứa con máu mủ của mình.
Nhìn sang giường bên, hai đứa con tôi đang chụm đầu vào nhau ngủ. Chúng đáng yêu như hai con cún nhỏ. Cuộc điện thoại nửa đêm làm tôi không tài nào chợp mắt. Tôi lo. Thực sự tôi lo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nợ duyên

ANH CÓ GIÚP TÔI ?