TÀI LIỆU VỀ SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG CỦA HCM



( các em có thể vào mục TÀI LIỆU THAM KHẢO CHO HS ĐỂ XEM THÊM NHÉ)


CHỦ ĐỀ

HỒ CHÍ MINH- CON NGƯỜI VIỆT NAM 
KẾT TINH &NGỜI SÁNG NHIỀU GIÁ TRỊ
TIỂU CHỦ ĐỀ:
SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG CỦA HỒ CHÍ MINH
PHẦN I: GIỚI THIỆU MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA HỒ CHÍ MINH
A.   PHẦN VĂN CHÍNH LUẬN:
I. TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.
Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.




II. BẢN DI CHÚC CỦA HỒ CHÍ MINH

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------
Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn.
Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.
Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
*
*   *
Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường có câu rằng "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", nghĩa là "Người thọ 70, xưa nay hiếm".
Nǎm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người "xưa nay hiếm" nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài nǎm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.
Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?
Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.
TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
ĐOÀN KẾT là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.
VỀ PHONG TRÀO CỘNG SẢN THẾ GIỚI - là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!
Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.
*
*   *
VỀ VIỆC RIÊNG - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
*
*   *
Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Hà Nội, ngày 10 tháng 5 nǎm 1969
Hồ Chí Minh

B. TRUYỆN KÍ

I. LỜI THAN VÃN CỦA BÀ TRƯNG TRẮC

Quốc vương nước Nam sắp làm "khách của nước Pháp". Gọi là có lời chào mừng tí ti, chúng tôi kính dâng ngài giấc mộng này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc của chúng tôi, người bầy tôi trung thành của ngài.
Đêm tối quằn quại dưới làn mưa nhỏ hạt dầm dề. Mảnh trăng vàng vọt cố bíu trên những mái lều tranh. Cây đẫm ướt đầm đìa nước mắt tuôn rơi. Gió thổi qua những cụm lá mệt mỏi va nhau thành tiếng kinh rợn. Cành cây vặn vẹo như những cánh tay ma quái, và những đám nước bị từng cơn gió đột ngột quất, cứ nức nở. Cảnh vật nước Nam, lồng trong cây cỏ um tùm, vốn tươi vui và thơ mộng thế dưới ánh trăng, nay buồn thảm lạ lùng. Cơn hấp hối đang chơi vơi khắp. Tai ương lảng vảng đâu đây.
Ánh sáng lừ đừ của những cây nến thơm chấp chới đầu ngọn bấc cong queo, hắt lên những cây cột sơn mài nhẵn bóng trong cung điện những bóng đen lung lay và những con mắt hấp háy. Bọn quan hoạn lim dim uể oải trên chiếc chiếu trải dưới đất ở một góc nhà. Như cảm thấy được có im lặng đang bò lê.
Trống canh vừa điểm ba tiếng. Tùng, tùng, tùng! Các anh là người phương Tây, các anh chẳng hiểu thế là thế nào cả, hử? Tùng, tùng, tùng! Nhân nó lên năm thế là ba giờ của các anh đấy. Đây là thời khắc ban đêm lúc lương tri cất cao tiếng. Lúc các đống mả khạc ra những kẻ nằm bên trong, họ lìa khỏi những tấm liệm he hé mở, để ra ngoài đi dò đi dẫm, cất lên tiếng rú hoan lạc. Lúc đầu óc con người đầy rẫy những bóng hình, mộng mị. Tùng, tùng, tùng! Nhân nó lên ba, thì ấy là con số chín, con số tận cùng trong những con số chẳng thể chia cũng chẳng thể nhân, mà theo vua Phục Hi thì nó biểu hiện sự suy đốn của một sinh linh được coi như cùng tột (dương cửu) (1) .
Đó chính là lúc Thiên tử nằm mơ. Ngài mơ thấy những con rồng chạm trên tủ, bàn bỗng biến động, hóa thành những con rắn gớm ghiếc, mở thao láo những con mắt đỏ ngầu tia máu. Còn những con phụng hoàng (2), giống chim tượng trưng cho uy quyền vua chúa, thì vươn chiếc cổ dài ngoẵng tua tủa lông, quệt mỏ xoè cánh, y hệt đám gà trống cáu kỉnh, đáng ghét. Mọi vật bằng ngọc thạch, bằng châu báu, đều xỉn đi, xám xịt lại. Tất cả cứ từ từ quay tròn, và tan dần, tan dần. Rồi một bóng ma trùm khăn, trăng trắng hiện lên. Nhà vua kinh hoàng run lên lập cập, vì không phải vua chúa nào cũng đều can đảm như Hămlét (3), và thông minh như thế thì lại càng không. Ngài muốn kéo chiếu che mặt mà không được.
Đường bệ và giận dữ, bóng ma nói với vị chủ hoàng cung thế này:
- Mi có nhận ra ta không, đứa con khốn khổ kia ơi! Ta là một trong những người khai sáng nước Nam tươi đẹp này đây. Ta là Trưng Trắc, năm 39 (4) đã cùng em gái ta là Trưng Nhị và đồng bào đánh đuổi bọn xâm lăng, trả thù chồng, giải thoát quê hương. Đừng có run lên như thế, con ơi! Mà phải lắng nghe lấy lời mẹ bảo! Chẳng hay mi có biết rằng, theo tập tục nghìn năm của nước Nam ta xưa cũ thì Hoàng đế là chịu mệnh trời để trị dân, vì thế mà được coi là con của trời, cha mẹ của dân?
"Vua muốn xứng với lòng trời và làm tròn nhiệm vụ chí tôn của mình thì phải chịu khổ trước dân và chia sướng sau dân. Vua phải tuân lệnh trời, mà tiếng dân chính là truyền lại ý trời. Bằng không thì ấy là trời đoạn tuyệt, tổ tiên từ bỏ, nhân dân ruồng rẫy.
"Giở sử đất nước ra mà xem, mi sẽ thấy tổ tiên đã treo bao tấm gương đạo đức và dũng cảm, chí khí và tự tôn. Lý Bôn (544) (5), với một nhúm nghĩa sĩ, đã nổi dậy và bẻ gãy ách đô hộ của Hán tộc. Ngô Quyền (938) đã phá tan đạo quân nước ngoài kéo vào đánh chiếm đất đai Tổ quốc ta.
"Dân ta sống trong hạnh phúc và thịnh vượng dưới triều nhà Đinh. Năm 980 (6), Lê Đại Hành đã dũng cảm không chịu khuất phục trước yêu sách của láng giềng hùng mạnh hơn mình gấp bội, ông đã đánh thắng địch, giết chết tướng địch. Do đó đã giải thoát được đồng bào khỏi nạn nô dịch.
"Quân Mông Cổ đi đến đâu phá sạch đấy, đã bị nhà Trần vẻ vang của chúng ta đánh bại (1225)(7). Lê Lợi đã hùng dũng đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng nước Nam, đập tan chế độ tàn bạo và hạch sách mà những kẻ tự xưng là bảo hộ ta bắt ta chịu.
.....
"Thật là nhục nhã thậm tệ, thật là chán ngán ghê gớm, thật là cay đắng ê chề xiết bao cho các vị, nếu từ những tầng mây, tổ tiên mi phải trông thấy dân tộc mà các vị đã giành được tự do nay chịu phận nô lệ, đất nước đã được các vị giải thoát nay lâm vào cảnh nô dịch, kẻ kế tục ngai vàng của các vị nay sống trong ươn hèn.
"Mặc dầu lễ nghi không cho phép các vị nguyên thủ nước ta rời khỏi cung cấm, thế nhưng chúng ta vẫn phải đau buồn nhận thấy rằng vẫn có những bậc quân trưởng phải lưu vong.
"Năm 1407(8), Tầu (phong kiến) đánh nhau với ta; nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng. Chinh chiến lúc đó thế là lại bắt đầu. Giặc biết rằng không khuất phục được ta bằng uy lực, đã dùng chiến tranh hao mòn. Trần Đế Quỹ đã lãnh đạo dân Nam đoạt được thắng lợi, sau thấy dân cùng kiệt, đói khát, máu đổ xương rơi. Ông biết rằng giặc chỉ muốn hại mình ông, và chúng bắt được ông rồi thì dân Nam sẽ được yên ổn. Vì vậy ông ra nộp mình; ông nộp mình để dân ông đỡ hao tổn sinh linh, xương máu. Bị cầm tù giải đi, ông nhảy xuống sông tự tử. Ông thà chết vinh chứ không sống nhục. Ngày nay, mỗi buổi mặt trời mọc lên lặn xuống, muôn nghìn ánh hào quang vàng óng quây trên dòng sông trong nước bạc long lanh, tạo nên đài kỷ niệm vĩnh cửu cho linh hồn bất diệt của con người chiến bại vĩ đại đó...
"Tiếp đó là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân - người ở ngôi ngay trước mi. Chính những kẻ xưng xưng là tôn trọng phong tục, luật lệ nước ta đã đày ải ba vị và mai đây sẽ dùng mi làm món đồ rao hàng thuộc địa, cổ động đế quốc. Có thấy không, con! Chẳng thể bao giờ trong niên giám nước mi lại có một vua Nam nào chịu làm tôi tớ đến như mi, lại có một cuộc ngự giá tuần du nào thảm hại đến mức này. Trước đây, mi đã từng phạm tội báng bổ là bệ lên bàn thờ linh thiêng của ông vải hình ảnh ghê tởm của thằng da trắng ngái ngủ và bụng phệ nọ, nó sặc lên mùi tỏi, ớn mùi thây ma. Tại sao, ừ, tại sao mi lại làm thế? Nay mi lại sắp lẩn xa tôn miếu. Tay mi sẽ không thắp hương vào những tiết đầu xuân, đầu thu nữa. Mi sẽ không tự tay mở hương án dâng hoa quả đầu mùa và cúng cơm mới nữa. Vẫn hay, con ạ! rằng tất cả những cái ấy chẳng qua đều là nghi lễ cổ hủ ! nhưng mi cũng thừa biết rằng chỉ còn độc nghĩa vụ đó là mi còn làm được với tổ tiên và mi cũng chỉ còn độc cái uy tín đó mà thôi trước mắt thần dân.
"Giờ thì mi lại sắp làm tệ hại hơn nữa. Mi sắp ca ngợi công đức của những đứa bóc lột và hiếp đáp dân mi. Mi sắp phô trương sự thịnh vượng của đất nước mi, cái thịnh vượng được sắp đặt đâu ra đấy trong trí tưởng tượng quá giàu của bọn bóc lột. Mi sắp tâng bốc công ơn vô ngần và tưởng tượng của nền văn minh đã thâm nhập sơn hà xã tắc của mi bằng mũi nhọn của lưỡi lê và bằng họng súng ca-nông.
"Ôi, nhìn, hãy nhìn nào, đứa con thảm thương kia ơi! Hãy nhìn quanh mi! Thấy chăng Trung Hoa đang thức tỉnh, Nhật Bản đang duy tân...? Thấy chăng toàn cầu đang tiến, chỉ có dân mi là, nhờ mi và lũ quan thượng của mi, cứ phải chìm ngập mãi trong vũng lầy dốt nát và tôi đòi khốn nạn?
"Hãy nhìn Triều Tiên, Ai Cập và Ấn Độ, tất cả các nước đó đều đang đứng lên đòi hỏi quyền lợi, công lý và tự do!
"Chính giữa lúc đó thì mi... Im... Nghe kìa! Nghe thấy chăng... Nghe thấy chăng những tiếng kêu gào...? A! Người ta đến kia kìa, đông quá, tất cả những người dân nước Nam đã bị thiệt mạng cho cuộc chiến tranh ở châu Âu. Người ta đến đòi những gì mà bọn quan thầy mi đã cùng mi hứa hẹn với người ta, anh em người ta. Trả lời người ta đi nào! A! Người ta giận dữ, người ta bỏ đi.
"Bây giờ thì người ta quay lưng đi rồi, người ta đang đi đến phía đằng kia. Có thấy người ta không? Đằng kia ấy, nơi mặt trời đang mọc huy hoàng khôn xiết, nơi tung bay kiêu hãnh lá cờ Nhân đạo và Lao động. Đấy! Chính đấy là nơi yên nghỉ tâm linh những người đã khuất, là tương lai của dân tộc mà mi đã phụng sự chẳng ra gì!
"Gà sắp gáy sáng. Sao Bắc đẩu tiến ngang trời. Nhạc tiên đang giục giã ta. Thôi, chào!".
Mồ hôi nhớp nháp đẫm trán vị chúa thượng đang ngủ. Ngài muốn kêu lên. Nhưng không kêu được. Lưỡi ngài líu lại vì sợ.
Một quan hoạn bước vào, khom khom cái lưng ba lần, rồi the thé cái giọng đàn bà:
- Ngai dưới (1) ! Đã có lệnh lên đường của Tòa Khâm truyền sang rồi đấy ạ!
NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo L"Humanité, ngày 24-6-1922
..............................................
CHÚ THÍCH:
+ Ngay sau khi Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Vécxây, bọn bồi bút thực dân lồng lộn. Trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27-6 có một bài nhan đề Giờ phút nghiêm trọng chỉ trích bản yêu sách : Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ. Nguyễn Ái Quốc viết bài này là để trả lời bài báo sặc mùi thực dân trên.
+ Bản Yêu sách của nhân dân An Nam: Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-1-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp hội nghị ở Vécxây (Pháp). Hội nghị này (còn gọi là Hội nghị hoà bình Pari) nhằm xác định sự thất bại của Đức và các nước đồng minh của Đức, chia lại thị trường thế giới cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp.Nhân danh nhóm người yêu nước Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Nguyễn Ái Quốc còn thuê in thành truyền đơn, đăng trên các báo, gửi đến các nhà hoạt động chính trị có tên tuổi, phân phát trong các buổi hội
Việt Báo (Theo_TuoiTre)

B.   THƠ CA
I. THƠ CA TUYÊN TRUYỀN CÁCH MẠNG
1. BÀI CA SỢI CHỈ
Mẹ tôi là một đoá hoa
Thân tôi trong sạch tôi là cái bông
Xưa tôi yếu ớt vô cùng
Ai vò cũng đứt ai rung cũng rời
Khi tôi đã thành chỉ rồi
Cũng còn yếu lắm ăn ngồi không an
Mạnh gì sợi chỉ con con
Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng?
Càng dài lại càng mỏng manh
Thế gian ai sợ chỉ anh chỉ xoàng
Nhờ tôi có lắm đồng bang
Hợp nhau sợi dọc sợi ngang rất nhiều
Dệt nên tấm vải mĩ miều
Đã bền hơn lụa lại điều hơn da
Đố ai bứt xé cho ra
Đó là lực lượng đó là vẻ vang
Hơi ai con cháu Hồng Bàng
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau
Yêu nhau xin nhớ lời nhau
Việt Minh hội ấy mau mau tìm vào.

1-4-1942

 

2. CON CÁO VÀ TỔ ONG

Tổ ong lủng lẳng trên cành,
Trong đầy mật nhộng, ngon lành lắm thay!
Cáo già nhè nhẹ lên cây,
Định rằng lấy được ăn ngay cho giòn.
Ong thấy cáo muốn cướp con,
Kéo nhau xúm lại vây tròn cáo ta.
Châm đầu, châm mắt cáo già,
Cáo già đau quá phải sa xuống rồi.
Ong kia yêu giống, yêu nòi,
Đồng tâm, hợp lực đuổi loài cáo đi.
Bây giờ ta thử so bì,
Ong còn đoàn kết, huống chi là người!
Nhật, Tây áp bức giống nòi,
Ta nên đoàn kết để đòi tự do.
HỒ CHÍ MINH
Báo "Việt Nam độc lập", số 130, ngày 1-7-1942
II.               THƠ CA TRỮ TÌNH
1.     MỘT SỐ BÀI THƠ TRÍCH TỪ NHẬT KÍ TRONG TÙ
Nhật ký trong tù
Hồ Chí Minh – Viết bằng chữ Hán năm 1942 – 1943
Bản dịch của Viện Văn học
In trong sách Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù

nhat-ky-trong-tu1
Bìa tập Thơ Nhật ký trong tù

Bài 1

Thân thể tại ngục trung,
Tinh thần tại ngục ngoại;
Dục thành đại sự nghiệp,
Tinh thần cánh yếu đại.
DỊCH NGHĨA 
Thân thể ở trong ngục,
Tinh thần ở ngoài ngục;
Muốn lên sự nghiệp lớn,
Tinh thần càng phải cao
DỊCH THƠ
Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao;
Muốn lên sự nghiệp lớn,
Tinh thần càng phải cao.
                Nam Trân dịch
(Trong nguyên bản, bốn câu thơ này không có đầu đề, chép ở ngoài bìa tập Ngục trung nhật ký cùng hình vẽ hai tay bị xiềng, có lẽ được tác giả coi như một lời đề từ cho toàn tập ) 
Bài 2
Khai quyển

Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
Nhân vị tù trung vô sở vi
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì
DỊCH NGHĨA: 
Mở đầu tập Nhật ký
Già này vốn không thích ngâm thơ,
Nhân vì trong ngục không có gì làm
Hãy mượn việc ngâm thơ cho qua ngày dài
Vừa ngâm vừa đợi ngày tự do
DỊCH THƠ
Ngâm thơ ta vốn không ham,
Nhưng vì trong ngục biết là chi đây;
Ngày dài ngâm đợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
                    Nam Trân dịch
2.           THƠ SÁNG TÁC Ở VIỆT BẮC:
3.            
"Cảnh rừng Việt Bắc"
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạt cũ với xuân này
1947
        Có những bài thơ hay, chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn thấy tươi mới, vẫn thấy cảm hứng như mới đọc lần đầu. "Cảnh rừng Việt Bắc" là một bài như vậy.
        Bác Hồ viết bài này vào năm 1947, năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Dẫu bận trăm công nghìn việc trong lúc toàn tâm toàn ý lãnh đạo kháng chiến, Bác vẫn giữ vững tư thế ung dung thư thái của một nhà thơ hiền triết, có phảng phất như phong thái của những nhà thơ Việt Nam xưa: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Nhân Tông...
        Ung dung thư thái, hồn thơ hoà hợp với thiên nhiên, nghe âm thanh thiên nhiên qua tiếng "vượn hót chim kêu".
        Cuộc sống bình dị, thưởng thức những món ăn quê hương, rừng núi "ngô nếp nướng, thịt rừng quay"
        Trong câu thơ thứ tư, Bác dùng chữ "chén" thay cho chữ "ăn". Nghe thân mật mà có thoáng nét cười. Chúng ta mỗi khi vui bạn thường rủ bạn đi "chén" một chút gì cho thêm vui.
        Câu thơ thứ năm càng thể hiện rõ sự ung dung, thư thái dạo gót ngắm cảnh thiên nhiên: non xanh nước biếc. Chính những lúc dạo gót như vậy, đầu óc rất thanh thản minh mẫn, có thể nảy ra những ý nghĩ hay, đẹp.
        Tiếp theo tứ thơ đó là một tứ thơ tuyệt vời thoải mái:
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say
        Chè tươi có thể say đã đành, đến rượu ngọt là Bác nói vui thế thôi, chứ trong thực tế Bác không phải là người hay rượu. Trong thơ Bác, đôi khi có thoáng chữ "rượu" nhưng cũng chỉ là biểu tượng để nói về men thơ, chứ không phải là "rượu" thực thể.
        Kết thúc bài thơ, thi tứ lại càng tươi vui và bay bổng. Nghĩ đến ngày kháng chiến thành công, Bác dự cảm trở lại "Cảnh rừng Việt Bắc", sẽ gặp lại trăng rừng núi, xuân rừng núi như những cố nhân, và gặp lại chim hạc, loài chim huyền ảo gợi cảnh thần tiên.
        Thế là bài thơ có thể ví như một cuộc "du sơn", nhà thơ lên núi, lên cao dần, càng lên càng "say" và lên đến đỉnh thì đã tiếp cận với một cõi siêu phàm.
(Trần Lê Văn- tháng 5/2000)


III.           PHẦN II:
TRÍCH DẪN MỘT SỐ  ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN TÍCH
VỀ HỒ CHÍ MINH

A. LỜI GIỚI THIỆU CHO CUỐN “BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP”
Vào cuối thế kỷ 19, khi bọn thực dân Pháp đặt xong bộ máy cai trị ở Việt Nam, chúng bắt tay vào công cuộc khai thác nước ta với quy mô lớn. Sự bóc lột hết sức tàn ác, dã man của bọn tư bản độc quyền Pháp cộng với sự áp bức, bóc lột của bọn địa chủ phong kiến trong nước được chúng tiếp tay làm cho đời sống của nhân dân ta vô cùng điêu đứng, khổ cực.
Nước mất, nhà tan, đời sống bần cùng, không có con đường nào khác, nhân dân ta đã đứng dậy đấu tranh.
Trong mấy chục năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các phong trào yêu nước cuồn cuộn dấy lên từ Bắc chí Nam. Tầng tầng, lớp lớp thợ thuyền, dân cày, dân nghèo, thành thị, nhà buôn, trí thức, học sinh… kết thành những đợt sóng đấu tranh liên tiếp, mạnh mẽ. Dưới những hình thức khác nhau, quần chúng khởi nghĩa trên những vùng rộng lớn chống bắt lính, bắt phu, chống sưu cao, thuế nặng, chống khủng bố, cầm tù,v.v…; nói chung lại là chống áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Tất cả đều thể hiện một tinh thần chung là chống đế quốc, chống sự hà khắc, tham nhũng của bọn quan lại, chống bọn phong kiến hợp tác với giặc, phản dân hại nước; tất cả đều thể hiện một ý chí chung là giành độc lập, tự do. Dù chưa đạt tới mục tiêu, song các phong trào yêu nước lúc này, về khách quan, đã hình thành - dĩ nhiên là tự phát, những yếu tố, những đường viền của một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, bao gồm nhiều tầng lớp xã hội.
Nhưng do hạn chế của những điều kiện lịch sử, các phong trào yêu nước của tất cả các tầng lớp xã hội lúc này - kể cả các phong trào đấu tranh của công nhân đã xuất hiện ngay từ giữa những năm chín mươi của thế kỷ 19 - đều chưa có đường lối đúng đắn. Những người cầm đầu các phong trào chưa phân biệt được địch, ta, bạn, thù; chưa nhận thức được rằng đế quốc Pháp xâm lược Việt Nam không phải là hiện tượng riêng lẻ, mà là một vấn đề thời đại gắn liền với cả giai đoạn lịch sử chủ nghĩa tư bản thống trị thế giới; họ chưa nhận rõ nhiệm vụ cách mạng Việt Nam lúc này là phải đánh đuổi đế quốc Pháp giành độc lập, tự do, đánh đổ phong kiến địa chủ giành quyền dân chủ cho nhân dân; họ càng không thể thấy lực lượng cách mạng chủ yếu là công, nông trong đó giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo.
Do những hạn chế đó, lại bị những đòn tấn công rất ác liệt, man rợ của quân thù, cho nên các phong trào đều lần lượt bị thất bại. Ách áp bức của kẻ thù càng thêm nặng, nỗi thống khổ của quần chúng càng thêm chồng chất, tiền đồ của dân tộc vẫn mờ mịt.  
Nhưng tất yếu là, càng bị đàn áp, càng bị thất bại, càng thống khổ thì quần chúng càng thêm nung nấu lòng căm thù và ý chí chiến đấu, càng khát khao tìm cách thoát khỏi kiếp sống trâu ngựa.
Như vậy, một vấn đề mà lịch sử lúc này đặt ra là phải có những người ưu tú, tiên tiến nhất trong đội ngũ những người yêu nước Việt Nam có khả năng vượt lên những hạn chế kể trên, tìm ra một con đường đúng đắn nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên giàu lòng yêu nước, tiên tiến nhất trong đội ngũ những người yêu nước đã nhận lấy trách nhiệm ấy trước lịch sử, xuất dương, tìm một con đường mới để cứu nước, cứu dân.
Ra đi, dĩ nhiên cũng với tư cách một người yêu nước như những người đi trước, nhưng đồng chí không đi con đường của những người đã đi - không cầu cạnh một lực lượng bên ngoài giúp dân mình (mà lực lượng bên ngoài không phải ai khác bè lũ đế quốc). Đồng chí đi về phương Tây, nơi có tư tưởng tự do, dân chủ, dân quyền, có khoa học, kỹ thuật hiện đại thu hút đồng chí. Đồng chí đi về phương Tây vì mục đích cách mạng và do một sự nhạy cảm cách mạng làm cho đồng chí nhận thấy chỉ ở đó mới phát hiện ra cái nguồn gốc của mọi thảm họa đã trút lên đầu lên cổ dân tộc mình và cái đầu mối của sự nghiệp giải phóng đồng bào mình.
Đi khắp năm châu bốn biển, lăn lộn trong cuộc sống lao động và đấu tranh của quần chúng lao khổ ở các nước tư bản và thuộc địa, đâu đâu đồng chí cũng chứng kiến cảnh sống trái ngược giữa một bên là thiên đường của những kẻ giàu sống trong cảnh đế vương, một bên là địa ngục trần gian của hàng triệu người thuộc đủ mọi màu da sống kiếp ngựa trâu, tủi nhục, lầm than, đói rách.
Hàng chục năm phấn đấu, rèn luyện gian khổ trong đấu tranh và học tập đã làm sáng tỏ dần những chân lý cách mạng mà đồng chí đang cần tìm hiểu.
Chiến tranh thế giới thứ nhất một mặt đã bộc lộ đầy đủ bản chất bóc lột, tàn ác, dã man của chủ nghĩa đế quốc và sự suy yếu của nó; mặt khác nó lại là cơ hội để chủ nghĩa đế quốc tăng cường bóc lột giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức, đẩy sâu thêm con người lao động vào cảnh bần cùng. Sự kiện này làm bừng sáng thêm trong nhận thức của đồng chí một chân lý; chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản là cội nguồn của mọi sự khổ đau của quần chúng và quần chúng lao khổ ở đâu cũng là người cùng chung số phận và do đó chung một chiến tuyến với dân tộc mình.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi là một sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với đời sống tinh thần của đồng chí. Nó đưa đồng chí đến chỗ khẳng định được con đường cách mạng đúng đắn nhất: Con đường của Cách mạng Tháng Mười. Đó là một chân lí mới. Nó thỏa mãn hoài bão lớn lao mà bao lâu đồng chí từng ôm ấp.
Dưới ánh sáng soi đường của Quốc tế Cộng sản, của “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” do Lênin vạch ra và dưới ảnh hưởng trực tiếp của cuộc đấu tranh thành lập Đảng Cộng sản Pháp, mà đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên, một trong những người tham gia thành lập chủ nghĩa Mác - Lênin, chân lí cách mạng của thời đại đã sáng tỏ, đã được khẳng định vững chắc trong nhận thức của đồng chí. Đó là bước chuyển biến quyết định về chất trong tư tưởng và lập trường chính trị của đồng chí.
Từ đó đồng chí càng hoạt động nỗ lực và sôi nổi trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Hoạt động trong các tổ chức cách mạng và trong Hội Liên hiệp thuộc địa do đồng chí sáng lập, đồng chí đã viết nhiều sách báo tấn công vào chủ nghĩa đế quốc, kêu gọi, thức tỉnh quần chúng ở các nước thuộc địa đấu tranh.
Đây cũng là lúc mà đồng chí viết cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Cuốn sách này là sản phẩm tổng hòa của tất cả các tri thức, chính trị, triết học, xã hội, lịch sử, văn học và kinh nghiệm thực tiễn, được tiếp thu, bồi bổ, phát triển trong quá trình đấu tranh đầy sóng gió của Người.
“Bản án chế độ thực dân Pháp” viết bằng tiếng Pháp vào những năm 1921-1925 và được xuất bản đầu tiên vào năm 1925 ở Pa-ri, Thủ đô nước Pháp.
Ngay từ khi mới ra đời “Bản án chế độ thực dân Pháp” lan truyền đi nhanh và rộng khác thường. Rất nhiều người trong và ngoài nước biết đến nó.
Hun đúc trong đấu tranh cách mạng, “Bản án chế độ thực dân Pháp” ra đời như một luồng ánh sáng mới xé tan đám mây mù đang bao phủ trên khắp đất nước Việt Nam và nhiều nước thuộc địa. Nó thỏa mãn cả lý trí và tình cảm của hàng triệu quần chúng cách mạng đang ngưỡng vọng và khát khao một chân trời mới; nó thu hút mạnh mẽ sự chú ý của nhiều lớp người tiến bộ đang mơ hồ, băn khoăn về một con đường giải phóng sáng sủa.
“Bản án chế độ thực dân Pháp” có tác động lớn về nhiều mặt như vậy là bởi lẽ: Thứ nhất, tác phẩm này ra đời giữa lúc mâu thuân giữa chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc, giữa dân tộc ta và bọn đế quốc Pháp đã đạt tới điểm bùng nổ; tinh thần và ý chí chống đế quốc của nhân dân ta và nhân dân ở các nước bị áp bức khác lên cao, đòi hỏi một ngọn cờ hướng đạo đúng đắn để đi vào một cuộc chiến đấu quyết định vận mệnh lịch sử của dân tộc. Thứ hai, tác phẩm này đề cập đến những người thật, việc thật, những chuyện xảy ra hàng ngày “mắt thấy tai nghe” ở những hoàn cảnh cụ thể nhưng có quan hệ thân thiết đến vận mệnh của hàng chục triệu con người trong cái địa ngục trần gian gọi là “xứ thuộc địa” và lý giải nó một cách khoa học theo quan điểm Mác - Lênin, quan điểm tiên tiến nhất của thời đại.
 “Bản án chế độ thực dân Pháp” trước hết là một bản cáo trạng. Nó tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp không phải chỉ ở Đông Dương, ở Việt Nam mà ở khắp các thuộc địa: An-giê-ri, Tuy-ni-di, Tây Phi… Trên thế tấn công “Bản án chế độ thực dân Pháp” lột mặt nạ chủ nghĩa đế quốc bằng những chứng cớ, tang vật không thể chối cãi được. Và như các quan tòa thường xử những phạm nhân trọng tội, tác phẩm đã lôi bọn hung thủ - lũ kẻ cướp toàn cầu, ra trước vành móng ngựa, bắt chúng trả lời và diễn lại tại chỗ những tội ác mà chúng đã phạm với loài người hàng mấy thế kỷ. Bằng lý lẽ đanh thép, tác phẩm đã bóc trần bản chất bóc lột, tàn ác, dã man, phản động của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân:
Đó là việc vũ trang xâm lược “bình định” đất nước ta, đàn áp đẫm máu các phong trào yêu nước của ta, để đặt và củng cố ách thống trị, bóc lột của chúng đối với nhân dân ta;
Là bóc lột bằng “thuế máu” - đày đọa những con người gọi là “dân bản xứ” trên các chiến trường Châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ nhất(Chương I);
Là “việc đầu độc người bản xứ” bằng thuốc phiện và rượu cồn (Chương II);
Là việc giáng vào người bản xứ nào sưu thuế “nặng oằn lưng”, nào công trái, nào phu phen tạp dịch;
Là “chính sách ngu dân” (làm cho dân ngu để dễ trị), “một chính sách mà các nhà cầm quyền ở thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất” (Chương IX);
Là những luật lệ đặt ra vô tội vạ, hết sức khắc nghiệt, cho phép các nhà cầm quyền hễ ngứa tay thì phạt vạ, tống tù và kèm theo thảm sát đẫm máu;
Vân vân và vân vân.
“Bản án chế độ thực dân Pháp” còn chỉ mặt, gọi tên những kẻ đại diện cho “nước mẹ” cho “tự do”, “công lý”, cho “sự nghiệp khai hóa” và “truyền bá văn minh”, đang ra tay hoành hành ở khắp các thuộc địa. Tất cả bọn chúng, toàn quyền, thống đốc, khâm sứ, công sứ… cho đến bọn đội lốt tôn giáo trong các giáo hội và bọn tay sai mạt hạng của chúng, đều là lũ phản động, vô liêm sỉ, bóc lột tàn ác.
Sức tố cáo của tác phẩm càng mạnh mẽ thêm khi mô tả những nỗi khổ nhục của người dân bản xứ, nhất là “nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ”(Chương XI). Dưới nanh vuốt của bọn thực dân, mọi tầng lớp thuộc người bản xứ, vua quan, hào lý, tư sản, trí thức, viên chức hay người dân lao động, từ cụ già đến trẻ em, đều bị coi là đám nô lệ thấp hèn, đều bị đối xử như xúc vật và tính mạng đều “không đáng giá một trinh”. Bị cướp đoạt, đốt phá, giết chóc, đánh đập, hãm hiếp là chuyện thường ngày xảy ra đối với người bản xứ ở khắp các thuộc địa.
Từ việc mô tả sinh động, cụ thể những cảnh bần cùng, cơ cực của quần chúng, tác phẩm tỏa ra một mối tình đồng cam cộng khổ, thương yêu dạt dào đối với quần chúng bị áp bức, những con người cùng chung số phận với dân tộc mình.
Thông cảm sâu sắc với quần chúng, đứng trên lập trường những người vô sản tiên tiến bênh vực quần chúng lao khổ bị áp bức, đó là một nội dung của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản cao cả; đó cũng là một biểu hiện của sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong một con người mà cuộc đời ngay từ buổi ra đi đã gắn chặt với vận mệnh của những người vô sản và những người lao khổ ở khắp hoàn cầu.
Giữa những năm màn đêm còn bao phủ khắp các thuộc địa, bọn thực dân Pháp cùng bè lũ cơ hội - mà đại biểu của nó là Quốc tế thứ 2, đang ra sức tuyên truyền những luận điệu thực dân phản động, bênh vực chủ nghĩa đế quốc, thì “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã giáng vào đầu bọn chúng một đòn tấn công ác liệt, luận tội bọn chúng và đứng hẳn vào hàng ngũ những người vô sản tiên tiến bênh vực cho quần chúng lao khổ và các dân tộc bị áp bức. Đó là một phương thức cơ bản trong sách lược tấn công của cách mạng lúc ấy và tác phẩm trở thành tiếng nói tiêu biểu cho cái thế tấn công của thời đại.
Nhưng đi xa hơn nữa, ở tầm nhìn cao hơn nữa, “Bản án chế độ thực dân Pháp” còn vạch rõ kẻ thù của quần chúng lao động và các dân tộc bị áp bức. Đó là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Hình thù của nó là con đỉa hai vòi, một vòi hút máu của giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở chính quốc, một vòi hút màu của giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở các thuộc địa. Sự có mặt và sự tác oai tác quái của nó trên trái đất này là cội nguồn của mọi thảm họa, mọi nỗi đau khổ đã trút lên đầu lên cổ nhân dân các thuộc địa từ mấy thế kỷ nay. Đồng thời, tác phẩm đã vạch ra cái mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa chúng - kẻ đã gây ra mọi thảm họa, với giai cấp vô sản và nhân dân vị áp bức - người đã từng chịu mọi thảm họa. Và với tầm nhìn xa thấy rộng ấy (nó vốn là kết quả của một tư duy  cách mạng, một thế giới quan mới, hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của các hệ tư tưởng cũ, tác phẩm đã chỉ rõ rằng, chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, và những người vô sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng.
Từ trong đêm tối của cuộc đời lầm than đau khổ, tác phẩm đã mở ra cho quần chúng nhân dân thấy cảnh tương lai tươi sáng. Tương lai đó là hiện thực trên đất nước Nga Xôviết sau cách mạng tháng Mười. Tác giả khẳng định cho quần chúng một lòng tin sắt son vào cái tương lai ấy, và chỉ rõ ràng, tương lai ấy đang được chuẩn bị ở Trường Đại học Phương Đông, ngay trên đất nước Nga Xôviết. Trường này “đang ấp ủ dưới mái của mình tất cả tương lai của các dân tộc thuộc địa”!
Hướng tới tương lai đó, với khí thế tấn công cách mạng sôi nổi, tác phẩm đã vạch ra đường lối chiến lược và sách lược cho quần chúng nhân dân đấu tranh quật ngã kẻ thù. Tác phẩm khẳng định đã là người mất nước thì ai ai cũng bị sống kiếp nô lệ, dù là người Việt Nam, Angiêri, Đahômây, Xiri, Tây Phi… hay Xênêgan. Tất cả những người vô sản và nhân dân lao động kể cả ở nước Pháp, đều có chung một mối thù không đội trời chung với chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Vì vậy, tất cả hãy thực hiện lời hiệu triệu của Các Mác: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”. hãy đi theo con đường Cách mạng tháng Mười, đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cơm áo, danh dự cho con người!
Tác phẩm vạch rõ, bản chất của chủ nghĩa tư bản là con đỉa có hai vòi. Muốn diệt trừ nó, phải đồng thời chặt đứt cả hai vòi. Như vậy, nghĩa là tác phẩm đã đề ra nhiệm vụ cách mạng vô sản ở chính quốc và nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ đó cũng như mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở phương Tây và cách mạng giải phóng dân tộc ở phương Đông.
Cũng trên tinh thần ấy, tác phẩm đã khẳng định rõ nhiệm vụ của giai cấp vô sản ở chính quốc là vừa phải giác ngộ, tổ chức quần chúng ở chính quốc làm cách mạng, đồng thời “không được quên rằng bổn phận của mình” là phải đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ giai cấp vô sản và nhân dân các thuộc địa, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng hành động thực tiễn cách mạng, cùng nhau tiêu diệt kẻ thù chung.
Tác phẩm còn khẳng định rằng, sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam, cũng như ở mỗi nước, phải là một bộ phận gắn liền với sự nghiệp cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Trên tình đoàn kết quốc tế vô sản, giữa những người, những dân tộc cùng chung một chiến tuyến, tác phẩm đã biểu dương sức mạnh của những đợt sóng đấu tranh mang ý nghĩa thời đại đang dâng lên mạnh mẽ trên các thuộc địa như Đahômây, Xiri, v.v…, ca ngợi các cuộc đấu tranh của công nhân Việt Nam và coi đó là “dấu hiệu của thời đại”.
“Bản án chế độ thực dân Pháp” ra đời là một cái mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong ý thức cách mạng của nhân dân Việt Nam. Nó đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam về một đường lối sáng suốt và đúng đắn, để thoát ra khỏi tình trạng mơ hồ về phương hướng và mục tiêu cách mạng.
“Bản án chế độ thực dân Pháp” là một đóng góp sáng tạo có ý nghĩa lịch sử lớn lao vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Với tác phẩm này, ánh sáng của chân lý cách mạng của thời đại đã soi rọi vào tâm trí nhân dân về con đường cách mạng duy nhất đúng đắn, con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, làm cho mọi người thấy rằng chủ nghĩa Mác – Lênin là cái mình đang mong đợi, khát khao.
Nhằm vào việc giải quyết vấn đề cơ bản của thời đại. “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã vạch rõ bạn thù, vạch rõ mục tiêu cách mạng và bước đầu vạch ra chiến lược, sách lược của cách mạng cho nhân dân ta và các dân tộc bị áp bức. Đồng thời, tác phẩm cũng đã gợi ra phương hướng vận dụng những chân lý phổ biến vào điều kiện cụ thể của mỗi nước.
Như vậy, trên bình diện chính trị, “Bản án chế độ thực dân Pháp” là sự chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức cho các dân tộc bị áp bức đi vào cuộc đấu tranh dành độc lập, tự do, giành quyền thống trị xã hội vào tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng của cách mạng.
Ra đời trong bối cảnh lịch sử cụ thể của thế giới và của đất nước vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, “Bản án chế độ thực dân Pháp” có một giá trị lịch sử to lớn. Nó lý giải một cách khoa học theo quan điểm Mác –Lênin những vấn đề cơ bản mà lịch sử loài người đang đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết. Nó đề cập những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh lịch sử thế giới, đến con đường phát triển tất yếu của lịch sử loài người trong thời đại hiện nay.
Riêng ở Việt Nam, cùng với việc chuẩn bị một đội ngũ tiên phong lãnh đạo cách mạng để giải đáp những đòi hỏi của lịch sử, “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã góp phần quan trọng thúc đẩy lịch sử Việt Nam tiến tới, thức tỉnh và thôi thúc dân tộc ta cùng hòa nhịp với các dân tộc bị áp bức trên thế giới bước nhanh vào kỷ nguyên mới của loài người: Kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Qua nội dung phong phú, sâu sắc của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, chúng ta có thể nói một cách khái quát rằng: Tác phẩm là sản phẩm của sự kết hợp biện chứng, sinh động, tài tình những nguyên lý phổ biến của học thuyết Mác –Lênin về chủ nghĩa đế quốc, về vấn đề dân tộc và thuộc địa với thực tiễn của phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Về mặt lý luận, phương pháp luận, và về giá trị thực tiễn, tác phẩm đã vượt ra ngoài khuôn khổ của cái tiêu đề “Bản án chế dộ thực dân Pháp”.
Tác phẩm này viết cách đây nửa thế kỷ (Thời điểm viết Lời giới thiệu là năm 1975) nhưng khoảng thời gian đó không hề làm phai mờ những ý nghĩa, tác dụng những giá trị lớn về lý luận và thực tiễn của nó. Trái lại, nửa thế kỷ qua, cách mạng thế giới và trong nước càng phát triển , ý thức cách mạng của nhân dân ta càng trưởng thành, thì những giá trị lớn của nó càng được nhận thức đầy đủ, càng trở lên cao quý.
 “Bản án chế độ thực dân Pháp” là một tác phẩm vốn có giá trị lớn về nội dung. Nhưng giá trị ấy lại càng nổi bật lên với một nghệ thuật biểu hiện sắc sảo.
Tác phẩm đề cập đến những vấn đề lớn của thời đại, nhưng lại không phân tích dài dòng, khô khan, mà đi từ việc diễn tả những hiện tượng hàng ngày xảy ra trong những hoàn cảnh cụ thể, dẫn đến những kết luận sắc, gọn, súc tích.
Trên cơ sở diễn tả những sự việc cụ thể đó, rọi vào nó ánh sáng của tư tưởng mới tác phẩm làm cho tư duy của người đọc mở mang, dẫn đến những suy nghĩ rộng và xa hơn, rồi lại trở về vấn đề trọng tâm với một nhận thức sâu sắc, sáng rõ hơn.
Từ những việc riêng lẻ dưới những đầu đề khác nhau được đặt trong một kết cấu lô gích, tác phẩm hình thành một chỉnh thể, một bức tranh toàn diện: Về cái địa ngục trần gian của kiếp người nô lệ; về cái thiên đường của bọn giàu sang; hay về những bộ mặt tàn ác, bỉ ổi của quân thù…
Hình thức biểu hiện của tác phẩm, về mọi mặt, từ cách diễn tả, cách sử dụng ngôn ngữ, cách chọn lọc những chi tiết, những hiện tượng, những hình ảnh, cách sử dụng các yếu tố của nghệ thuật châm biếm, đến cách bố cục từng chương, mục và toàn tác phẩm, đều có những nét rất độc đáo. Trong các biện pháp nghệ thuật đó, nghệ thuật châm biếm là một biện pháp được sử dụng rất tài tình, tinh tế, sắc sảo.
            Ngoài tư cách chủ yếu là một tác phẩm chính trị, “Bản án chế độ thực dân Pháp” còn là tác phẩm có giá trị về nhiều mặt như văn học, ngôn ngữ, lịch sử, v.v… cần được nghiên cứu, khai thác và giới thiệu một cách đầy đủ và nghiêm túc.
*
*       *
            Hiện nay, xã hội Việt Nam đang ở vào một giai đoạn lịch sử căn bản khác với nửa thế kỷ trước đây. Những nhiệm vụ lịch sử đặt ra trước mắt dân tộc ta do đó cũng khác trước. Cả thế và lực, cả trong nước và trên trường quốc tế, chúng ta đang ở trên một vị trí khác trước về căn bản.
            Trong lúc này, học tập, nghiên cứu để nhận thức đầy đủ, sâu sắc những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và thực hiện những điều chỉ giáo của Nguyên Ái Quốc - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta - là hết sức có ý nghĩa đối với việc thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người là “đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Hà Nội, ngày 01 tháng 5 năm 1975
NGUYỄN KHÁNH TOÀN

B.VỀ TẬP NHẬT KÍ TRONG TÙ
I.Hoàn cảnh sáng tác.
-8/1942 NAQ- HCM trở lại TQ tranh thủ sự ủng hộ của thế giới với cuộc chiến tranh chống xâm lược. Ngày 29/8/42 tại Túc Vinh Quảng Tây Người bị chính quyền TGT bắt giam. 13 tháng tù bị giải đi qua 30 nhà lao của 13 huyện thuộc QT, Người st 133 bài thơ bằng chữ Hán và lấy tiêu đề là Ngục trung nhật kí.
II.Giá trị của tác phẩm.
1.Nội dung.
a.Phản ánh chân thực bộ mặt đen tối của nhà tù & chính quyền phản động Tưởng Giới Thạch :
-Bắt giam vô lí người vô tội: Cháu bé trong nhà lao TD; Gia quyến người bị bắt lính.
-Xã hội bất công vô nhân đạo đày ải người tù dã man: Cấm hút thuốc lá, Tiền vào nhà giam, Cờ bạc.
-Hình ảnh những người tù luôn đói cơm rách áo, tiều tuỵ khổ ải đến chết: Cơm tù, một người tù cờ bạc vừa chết, Bốn tháng rồi.
b.Bức chân dung tinh thần tự hoạ của HCM: Đại nhân, Đại trí , Đại dũng.(Viên Ưng)
-Tâm hồn lớn:
+Lòng nhân đạo sâu sắc mang tinh thần của giai cấp vô sản ( thương yêu không phân biệt với người cùng khổ): -Dành tình yêu thương cho mọi kiếp người , c/đ đau khổ mà Bác gặp trong tù và trên đ/n TQ
-Thương nhớ đất nước và Nhân dân Việt Nam đang sống trong cảnh nô lệ: Ốm nặng , không ngủ được, Tức cảnh….
+Tình yêu thiên nhiên nồng nàn, sâu sắc : TN trong thơ sinh động có hồn , gửi gắm tâm sự & thể hiện tâm hồn Bác.
+Yêu tự do tha thiết đấu tranh suốt đời cho tự do của nd: Bị hạn chế.
-Trí tuệ lớn ; tầm tư tưởng lớn:
+Nhận thức quy luật cuộc sống theo hướng biện chứng tích cực:
+Tầm nhìn khái quát, tổng kết được những bài học quý trong cuộc sống và trong đấu tranh: Học đánh cờ, Nghe tiếng giã gạo, Đi đường.
-Dũng khí lớn:
+Giữ vững tinh thần ý chí CM,kiên cường trong mọi hoàn cảnh gian khổ.
+Tinh thần lạc quan vượt mọi kkhó khăn trước mắt: Ngắm trăng, Trên đường đi, Giải đi sớm.
=>HCM là một tâm hồn yêu nước, một tấm lòng nhân đạo lớn, một cốt cách nghệ sĩ lớn.
2.Nghệ thuật:
Tập thơ thể hiện bút pháp nghệ thuật đặc sắc & phong cách độc đáo của HCM.
a.Thơ bác bình dị mà sâu sắc: Lính gác khiêng lợn đi cùng, Nghe tiếng giã gạo.
b.Cổ điển và hiện đại.
-Cổ điển.
+Đề tài( lên núi , Đi đường..)
+Miêu tả thiên nhiên = bút pháp chấm phá ghi lại linh hồn của tạo vật .
+NV trữ tình ung dung tự tại, nhàn tản hoà hợp với tự nhiên, vũ trụ.
-Hiện đại:
+HT thơ vận động hướng tới sự sống , ánh sáng & tương lai.
+Con người trong quan hệ TN là c/sĩ.
c.Phong phú đặc sắc trong giọng điệu: Trữ tình , dí dỏm ,triết lí.

B. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ VĂN HỌC CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
1. Giá trị lịch sử:
- Ngày 2-9-1945,chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào tại quảng trường Ba Đình,Hà Nội. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập,tự do,cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần một trăm năm của dân tộc ta để có quyền thiêng liêng đó.
- Bản Tuyên ngôn đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân,phong kiến ở Việt Nam và mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta: kỉ nguyên độc lập tự do,kỉ nguyên nhân dân làm chủ đất nước.
2. Giá trị văn học
- Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn yêu nước lớn của thời đại. Tác phẩm khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập dân tộc gắn độc lập dân tộc với quyền sống của con người,nêu cao truyền thống yêu nước,truyền thống nhân đạo của người Việt Nam
- Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực. Dung lượng tác phẩm ngắn gọn,cô đọng,gây ấn tượng sâu sắc. Kết cấu tác phẩm mạch lạc,chặt chẽ,chứng cứ cụ thể,lập luận sắc bén,giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ tác phẩm chính xác,tác động mạnh mẽ vào tình cảm,nhận thức của người nghe,người đọc


PHẦN III.
VĂN KIỆN XÚC ĐỘNG VỀ HỒ CHÍ MINH
*
*  *  *
ĐIẾU VĂN HỒ CHỦ TỊCH
CỦA BCH TRUNG ƯƠNG DẢNG LAO ĐỘNG VN( 1969)

Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,
  Thưa các đồng chí và các bạn,
HỒ CHỦ TỊCH kính yêu của chúng ta không còn nữa!
Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!
Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại.
Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết.
Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta.
Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, HỒ CHỦ TỊCH đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ.
Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, HỒ CHỦ TỊCH đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước. HỒ CHỦ TỊCH là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
HỒ CHỦ TỊCH là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta.
Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.
Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng tự ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu. Người nói: "Nước ta là một, dân tộc ta là một". "Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam". Lúc còn sống, Người luôn luôn theo sát từng bước đi của cách mạng giải phóng miền Nam, ngày đêm Người tưởng nhớ đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam với tấm lòng thương yêu không bờ bến.
Vĩnh biệt Người, chúng ta thề:
Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người.
Hoài bão lớn nhất của HỒ CHỦ TỊCH là Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được hạnh phúc. Người nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Người còn nói: "Miền Bắc nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội".
Lúc còn sống, Người dành tất cả lòng hiền từ ấm áp cho đồng bào, con cháu, già, trẻ, trai, gái, miền Bắc, miền Nam, miền xuôi, miền ngược. Khi mất đi, Người còn "để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng".
Vĩnh biệt Người, chúng ta thề:
Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào.
HỒ CHỦ TỊCH hằng quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn lết, thống nhất vững mạnh. Người dạy: "Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí". HỒ CHỦ TỊCH là hiện thân của khối đoàn kết dân tộc, là hiện thân tình ruột thịt Bắc - Nam. Người nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Người luôn luôn căn dặn chúng ta phải giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết và tình thương yêu đồng bào, đồng chí.
Vĩnh biệt Người, chúng ta thề:
Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi.
HỒ CHỦ TỊCH là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Là người học trò trung thành của Các mác và Lênin, HỒ CHỦ TỊCH chẳng những là một nhà yêu nước vĩ đại, mà còn là một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc của thế kỷ XX. HỒ CHỦ TỊCH thường dạy chúng ta phải chăm lo bảo vệ sự đoàn kết quốc tế, vì sự nghiệp to lớn của cách mạng Việt Nam, vì nghĩa vụ cao cả đối với cách mạng thế giới.
Vĩnh biệt Người, chúng ta thề:
Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của HỒ CHỦ TỊCH, hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và giữa các Đảng anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Cả cuộc đời vĩ đại của HỒ CHỦ TỊCH là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. HỒ CHỦ TỊCH dạy chúng ta: "Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Vĩnh biệt Người, chúng ta thề:
Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của HỒ CHỦ TỊCH. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của HỒ CHỦ TỊCH tới đích cuối cùng.
HỒ CHỦ TỊCH đã qua đời! Nhưng Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại HỒ CHÍ MINH, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Toàn thể dân tộc Việt Nam ta, mỗi người Việt Nam ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người.
Trước anh linh của HỒ CHỦ TỊCH, chúng ta nguyện suốt đời trung thành với Người, đem hết tâm hồn và nghị lực, đoàn kết thành một khối sắt thép, phấn đấu quên mình, quyết làm tròn nghĩa vụ cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân ta và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.
HỒ CHỦ TỊCH đã qua đời! Nhưng Người luôn luôn dẫn dắt chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn luôn bên cạnh. Bởi vì chúng ta vẫn đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người. Bởi vì Người vẫn sống mãi với non sông đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người ngày càng khắc sâu trong trái tim, khối óc của mỗi chúng ta.
Các đồng chí và đồng bào thân mến!
Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ có để lại cho Đảng ta, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của BÁC, là những tình cảm và niềm tin của BÁC đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau.
Chúng ta hãy xứng đáng với BÁC hơn nữa!
Hãy nén đau thương, anh dũng phấn đấu, hăng hái vươn lên, đạp bằng mọi trở lực, chông gai, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, thực hiện lời thề danh dự trong giờ phút vĩnh biệt thiêng liêng này!
HỒ CHỦ TỊCH, LÃNH TỤ VĨ ĐẠI, NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU CỦA ĐẢNG TA, CỦA DÂN TỘC TA, ĐỜI ĐỜI SỐNG MÃI!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nợ duyên

ANH CÓ GIÚP TÔI ?

THƠ: XÚC CẢM MÙA XUÂN